Bí quyết giảm tải áp lực học tập thi cử từ chuyên gia

Làm sao để giúp con biến nỗi lo thành động lực, giúp con giảm tải áp lực học tập thi cử? Cùng tìm hiểu bí quyết qua lời khuyên từ chuyên gia.

Thực trạng chịu áp lực học tập thi cử của học sinh ngày nay

Ngày nay, đời sống học tập trở nên căng thẳng hơn do sự cạnh tranh trong thi cử, sự kỳ vọng từ gia đình đặt lên các em học sinh. Thanh thiếu niên dễ bị căng thẳng trong học tập vì phải trải qua vô số thay đổi sinh lý ở bản thân cũng như là các yếu tố môi trường xung quanh. 

Kỳ thi là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người. Người ta quan sát thấy rằng, dù là học sinh hay người lớn, kỳ thi luôn là giai đoạn gây áp lực đối với tất cả mọi người – ai cũng muốn đạt kết quả tốt và không ai muốn thất bại. Việc chịu áp lực từ các kỳ thi là điều không thể tránh khỏi.

Tác động của áp lực học tập thi cử đối với học sinh

Neetin Agrawal, Phó chủ tịch cấp cao của Toppr cho biết: “Trên thực tế, áp lực đạt thành tích tốt trong học tập có tác động xấu đến học sinh”.

“Áp lực vì phải đạt thành tích tốt trong kì thi dẫn đến sức khỏe, tinh thần và tình cảm trong các em bị “suy nhược”. Học sinh có thể cảm thấy áp lực từ cha mẹ, nhà trường, giáo viên hoặc chính bản thân của mình”. Prerna Shridhar M, Hiệu trưởng – Trường Trung học Cơ sở Heritage International Xperiential, cho biết.

Áp lực về cơ bản là một phản ứng mà cơ thể của chúng ta tạo ra khi nó trải qua những tình huống mà bản thân cảm thấy không an toàn. Nếu chúng ta thích ứng với những phản ứng căng thẳng và sử dụng chúng để nâng cao sự tập trung, làm việc chăm chỉ hơn, tỉnh táo hơn ,điều đó có thể dẫn đến hiệu suất tốt hơn.

Làm thế nào để đối phó với áp lực học tập thi cử

Áp lực quá nhiều không tốt cho bất kỳ ai, căng thẳng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các em. Để giúp học sinh vượt qua stress, phụ huynh và giáo viên nên duy trì một môi trường học tập không căng thẳng, để học sinh có thể bỏ lại sau lưng tất cả nỗi sợ hãi.

Dưới đây là một số gợi ý từ chuyên gia mà phụ huynh và giáo viên có thể làm để giúp học sinh kiểm soát căng thẳng:

  • Giúp các em hiểu được việc mắc sai lầm trong quá trình học tập là điều bình thường mà ai cũng sẽ trải qua. 
  • Xây dựng sự tự tin bằng cách khen ngợi nỗ lực của các em và gợi nhớ về thời điểm mà các em đã làm tốt. 
  • Sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ chân thành với các em.
  • Giúp các em chia các bài tập lớn thành nhiều bài tập nhỏ và phân bổ thời gian để làm.
  • Giảm thiểu nỗi lo âu, áp lực trong các em bằng cách thảo luận, đưa ra giải pháp phù hợp với những tình huống khó khăn mà các em đang gặp phải.
  • Khuyến khích các em tập thể dục, các bộ môn rèn luyện sức khỏe như yoga, ngồi thiền,… để các em có thể thanh lọc tâm hồn và thư giãn đầu óc.
  • Hãy nhớ rằng lo lắng rất dễ lây lan, nỗi lo của người lớn sẽ ảnh hưởng đến các em.
Bí quyết giảm tải áp lực học tập thi cử từ chuyên gia

Chắc hẳn mọi học sinh đều đã từng cảm thấy áp lực về thành tích ít nhất một lần trong cuộc đời đi học của mình. Điều quan trọng là các em có thể vượt qua tất cả và đứng vững trên đôi chân của mình để tiếp tục hành trình hướng tới thành công trong tương lai hay không. 

Đối với các bậc phụ huynh, điều cần thiết nhất là phải hiểu điều các con mong muốn, những gì phù hợp với riêng mỗi các con. Đừng quá áp đặt suy nghĩ của bản thân lên chính con của mình. Tôn trọng và lắng nghe con là những cách đồng hành cùng con hiệu quả nhất. 

Nguồn tham khảo: India Today